![]() |
|
Củng cố và mở rộng thị trường châu Âu |
|
Các doanh nghiệp (DN) hoạt động XK vào thị trường EU cần quan tâm EU là một thị trường có nhiều quy định khắt khe nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. |
|
EU vẫn duy trì chính sách bảo hộ sản xuất nội khối, do đó, việc các DN của một quốc gia tăng XK ồ ạt vào EU sẽ khiến khối phải đưa ra các biện pháp tự vệ, chống bán phá giá. Ðể cạnh tranh được tại thị trường này, các DN hoạt động XK cần nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm thỏa mãn các nhu cầu của người tiêu dùng EU, không lạm dụng chiến lược giá cả cạnh tranh, không nên kinh doanh theo hướng ngắn hạn mà cần hướng tới lợi ích lâu dài của DN nhằm bảo vệ lợi ích của DN nói riêng và của Việt Nam nói chung. Tận dụng triệt để những cơ hội mới phát sinh trong chính sách thương mại của nước sở tại để tăng cường XK, tăng thị phần và củng cố vị thế DN.
Ở cấp cao, vận động các nước thành viên EU sớm công nhận, hoặc công nhận từng bước quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam. Theo đó, hàng hóa của chúng ta không bị phân biệt đối xử và hưởng quy chế công bằng vì có xuất xứ sản xuất từ một nước thành viên chính thức của WTO, đồng thời giảm thiểu nguy cơ bị kiện tụng, tranh chấp thương mại. Cũng cần thúc đẩy tiến trình đàm phán FTA Việt Nam - EU trong thời gian sớm nhất. Việc ký kết FTA song phương sẽ là một bước đi thiết thực nhằm cụ thể hóa mục tiêu phát triển quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và EU, phù hợp với Ðề án tổng thể phát triển quan hệ với EU tới năm 2010 và định hướng tới năm 2015.
Với các nước EFTA, đây là những nước nhỏ nhưng có cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội vững chắc, công nghệ kỹ thuật cao. Hợp tác với những nước này, Việt Nam có điều kiện thuận lợi tiếp nhận công nghệ kỹ thuật cao, đồng thời dễ dàng thâm nhập vào thị trường châu Âu và thế giới. Hiện Việt Nam và các nước EFTA đang xem xét dự thảo đề án nghiên cứu khả thi Hiệp định tự do thương mại Việt Nam các nước EFTA để khởi động đàm phán. Cần xem xét đẩy nhanh tiến độ đàm phán hiệp định này vì đây sẽ là đòn bẩy thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Thụy Sĩ trong thời gian tới.
Với Nga và các nước SNG, nhìn chung, tình hình kinh tế, chính trị - xã hội những năm gần đây phát triển ổn định. Trong lĩnh vực kinh tế có thể thấy được những cơ hội và tiềm năng phát triển vững chắc. Liên minh hải quan ba nước Nga - Bêlarút - Cadắcxtan đã đi vào hoạt động từ ngày 1-1-2011 và đã mang lại lợi ích rõ ràng cho cả ba nước. Mới đây, tám nước trong SNG đã thỏa thuận thành lập Khu vực mậu dịch tự do FTA. Tất cả những sự kiện này sẽ làm thay đổi các mối quan hệ tồn diện của mỗi nước trong khối. Sự giao lưu hàng hóa sẽ thuận tiện hơn, điều này sẽ ảnh hưởng tích cực đến sản xuất của mỗi nước.
Việt Nam đang trong giai đoạn thực hiện các cuộc tham vấn với ba nước trong Liên minh hải quan về ý tưởng ký Hiệp định thương mại tự do với họ. Nhất là việc này lại diễn ra trong điều kiện Nga đã hồn tất mọi thủ tục để gia nhập WTO trong thời gian tới.
Cần đẩy mạnh công tác thị trường bằng một số bước đi mới. Về XTTM, đẩy mạnh đề án đưa hàng Việt Nam trực tiếp vào các chuỗi siêu thị ở châu Âu, trước mắt là hai chuỗi siêu thị lớn Metro (Ðức) và Big C (Pháp). Ðây là hai chuỗi siêu thị đang thành công tại thị trường Việt Nam nên thuận lợi khi đàm phán, thương lượng. Khi hàng Việt trực tiếp vào hệ thống siêu thị châu Âu sẽ quảng bá tốt thương hiệu, DN Việt được lợi về giá vì không qua trung gian và học hỏi được cách sản xuất, quản lý hàng hóa tiêu chuẩn quốc tế.
Một trong những biện pháp hiệu quả để hàng hóa Việt Nam tiếp cận người tiêu dùng EU là thông qua cộng đồng người Việt đang sinh sống tại đây, hiện có số lượng khá lớn, có nhu cầu dùng hàng Việt. Tạo điều kiện và tận dụng mức cao nhất nguồn lực của Việt kiều để XTTM, tiếp cận hệ thống phân phối và tìm kiếm các phương thức bán hàng mới tại các thị trường này. Ðặc biệt quan trọng là nhanh chóng khôi phục, phát triển lại các thị trường cũ, tiềm năng nhưng có thời gian bị xem nhẹ như các nước SNG và Ðông Âu cũ. Các DN phân phối lớn trong nước sẽ thuận lợi hơn khi sang đây đầu tư, hợp tác xây dựng các trung tâm thương mại quy mô./.
(TH)
|